see more blog

Cloud Native: 3 Tiêu Chí Xác Định Mục Tiêu Phù Hợp


Mục tiêu Cloud Native

Như đã chia sẻ ở những bài viết trước, Chiến lược Cloud Native có thể được xem như một cách thức để đạt được các mục tiêu kinh doanh thông qua thực hiện một số hành động cụ thể, bao gồm:

  • Sử dụng IaaS và PaaS
  • Kiến trúc dịch vụ nhỏ (Microservices Architecture)
  • Bộ chứa (Containers)
  • Bộ điều phối (Orchestrators)

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về những mục tiêu kinh doanh phổ biến nhất: tốc độ, quy mô và lợi nhuận.

Mục tiêu về tốc độ, quy mô và lợi nhuận

Hãy bắt đầu với tốc độ, mục tiêu mà gần như tất cả các doanh nghiệp đều quan tâm.

Tốc độ

Trong thế giới Cloud Native, tốc độ còn được hiểu là “Time to Value”, TTV, hay thời gian từ lúc hình thành ý tưởng khả thi cho đến khi hoàn thiện sản phẩm hoặc dịch vụ có khả năng thu về giá trị. Giá trị ở đây không chỉ đơn thuần là doanh thu. Đối với một số công ty khởi nghiệp, giá trị có thể là số người dùng , số lượt bình chọn hoặc là số lượng người dùng chấp nhận trả phí sau giai đoạn dùng miễn phí. Trong phát triển phần mềm, khái niệm thời gian thực (clock time) cũng được sử dụng để phân biệt giữa một tính năng cần 1 người  hoàn thiện trong 3 ngày  nhưng cần ra mắt vào ngày mai, với một tính năng cần 1 người làm trong 1 ngày nhưng đến 2 tháng sau mới ra mắt. Trong ngữ cảnh này, theo đuổi mục tiêu tốc độ được hiểu là làm thế nào để ra mắt tính năng sớm hơn, thay vì làm thế nào để tối thiểu giờ làm việc của các lập trình viên.

Quy mô

Rõ ràng, việc cung cấp sản phẩm dùng thử cho 100 người dùng sẽ nhanh chóng, đơn giản và tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc cung cấp một sản phẩm hoàn thiện, sẵn sàng phục vụ cho nhu cầu của 100.000 người dùng. Cung cấp sản phẩm dùng thử là một phương pháp tiếp cận hợp lý khi bạn chưa biết sản phẩm hoặc tính năng của mình có đủ sức hấp dẫn với thị trường hay chưa. Đôi khi, bạn không cần thiết phải cung cấp một sản phẩm hoàn hảo. Tuy nhiên, mục đích của việc tung ra các bản dùng thử là để tìm ra một sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu của 100.000 và thậm chí nhiều hơn nữa. Và khi số người dùng tăng lên, bạn sẽ cần phải đối mặt với vấn đề quy mô, tức là làm thế nào để hỗ trợ nhiều người dùng ở nhiều địa điểm hơn mà vẫn đảm bảo duy trì chất lượng dịch vụ hoặc thậm chí, làm cho nó tốt hơn. Nếu được, bạn cũng cần tìm giải pháp tối ưu về thời gian và tiền bạc, để tránh việc viết lại sản phẩm từ đầu khi quy mô ngày càng lớn.

Lợi nhuận

Việc đầu tư cho cloud khá tốn kém. Điều này chưa hẳn là không tốt. Trước đây, nhiều công ty khởi nghiệp và công ty đang mở rộng quy mô sẵn sàng dùng tín dụng để đầu tư vào hệ thống máy tính. Nhưng khoảng một thập kỷ trở lại đây, việc này không còn phổ biến nữa.

Dù vậy, cũng đã đến lúc các công ty muốn dừng việc rót một phần lợi nhuận của họ cho AWS, Microsoft hoặc Google. Và khi đó, vấn đề của các công ty là làm thế nào để duy trì tốc độ và chất lượng dịch vụ mà vẫn có thể cắt giảm đáng kể chi phí vận hành.

Công ty bạn thuộc loại hình doanh nghiệp nào?

Trước khi bắt đầu chọn một mục tiêu để tập trung, chúng ta cần cân nhắc việc  mục tiêu đó có giúp bạn giải quyết vấn đề hiện tại hay không và bạn cũng nên biết rằng: ở mỗi giai đoạn phát triển, các công ty sẽ phải đối mặt với những vấn đề khác nhau.

Trong loạt bài chia sẻ tiếp theo, chúng ta sẽ nói về các loại hình kinh doanh thích hợp sử dụng chiến lược Cloud Native. Mỗi doanh nghiệp đều có những đặc điểm khác nhau, nhưng để đơn giản hoá, chúng ta sẽ phân tích dựa trên ba loại hình công ty bao gồm: công ty khởi nghiệp, công ty đang mở rộng quy mô và doanh nghiệp.

Công ty khởi nghiệp

“Khởi nghiệp” trong ngữ cảnh này là bất kỳ công ty nào đang thử nghiệm mô hình kinh doanh và cố gắng tìm ra sự kết nối phù hợp giữa sản phẩm, giấy phép, khách hàng và kênh phân phối. Nói chung, công ty khởi nghiệp là những công ty đang trong giai đoạn khám phá, liên tục thử nghiệm các tính năng mới và tìm kiếm cách thức để phát triển cơ sở người dùng. Thách thức đầu tiên của các công ty này là sử dụng vốn đầu tư ban đầu một cách hiệu quả, và sử dụng điện toán đám mây là một trong những giải pháp phù hợp cho công ty khởi nghiệp. Khó khăn tiếp theo là tốc độ, vì họ cần tối ưu thời gian thử nghiệm các mô hình để tìm được mô hình hiệu quả nhất. Quy mô và lợi nhuận chưa phải là vấn đề quan trọng đối với một công ty khởi nghiệp. Bên cạnh đó, khởi nghiệp cũng không có nghĩa là phải thành lậpmột công ty mới. Các nhóm dự án trong một doanh nghiệp lớn có thể được xem như các công ty khởi nghiệp vì họ cũng cần nghiên cứu và phát triển sản phẩm hay tính năng một cách nhanh chóng.

Ở một khía cạnh nào đó, doanh nghiệp cũng hoàn toàn có thể thử nghiệm với mô hình kinh doanh đã chọn. Tuy nhiên, những công ty cung cấp các dịch vụ sử dụng internet sẽ dễ dàng thực hiện thử nghiệm hơn là những công ty cung cấp phần cứng hoặc phần mềm lưu trữ dữ liệu tại chỗ. Và đối với cloud native, chỉ những công ty có thể liên tục cập nhật phần mềm của mình thì mới có thể khai thác lợi thế về tốc độ. Kể cả khi so sánh với việc tích hợp liên tục thì việc cập nhật vẫn có hiệu quả hơn.

Công ty đang mở rộng quy mô

Công ty đang mở rộng quy mô là công ty cần phát triển nhanh chóng và đảm bảo hệ thống hiện tại có thể đáp ứng cho tốc độ phát triển đó. Những công ty này cần phục vụ nhiều người dùng, ở nhiều khu vực khác nhau và vận hành trên nhiều loại thiết bị hơn. Do đó, vấn đề họ chắc chắn phải đối mặt chính là quy mô. Họ cần đảm bảo những yêu cầu về dung lượng, khả năng phục hồi và thời gian phản hồi. Nhưng vấn đề về quy mô không chỉ dừng lại ở việc phục vụ cho bao nhiêu người dùng. Ví dụ, không thể chấp nhận việc từ bỏ rất nhiều người dùng để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho 100X người dùng, hoặc phải đánh đổi tốc độ xử lý của hệ thống để mở rộng quy mô. Nói chung, công ty đang mở rộng quy mô muốn nhiều người dùng hơn, nhưng vẫn duy trì hoặc giảm SLA (tạm dịch: mức độ thoả thuận dịch vụ Service Level Agreement) và thời gian phản hồi, đồng thời hạn chế việc mở rộng bộ phận hỗ trợ và vận hành.

Doanh nghiệp

Cuối cùng, chúng ta sẽ cùng nói về các doanh nghiệp lớn mạnh. Công ty này có thể có một hoặc nhiều sản phẩm hoàn chỉnh đã và đang phục vụ cho  khách hàng ở quy mô lớn. Họ sẽ vẫn phải  đối mặt với vấn đề tốc độ và quy mô nhưng lợi nhuận mới là mối quan tâm lớn nhất. Thách thức của doanh nghiệp là làm thế nào để phát triển cơ sở khách hàng (customer base) cho các sản phẩm hiện tại mà vẫn tạo ra lợi nhuận. Họ không muốn dùng tiền để phát triển nhanh và  mở rộng quy mô, vì chi phí thuê máy chủ và chi phí trên mỗi người dùng mới là điều khiến họ đau đầu. Ngoài các vấn đề về số lượng người dùng, khả năng phục hồi và tốc độ phát triển, họ cũng cần quan tâm đến việc tiết kiệm chi phí.

Vậy nên bắt đầu từ đâu với Cloud Native?

Bạn nên bắt đầu từng bước nhỏ với những thành tựu theo mục tiêu rõ ràng trước khi bắt đầu theo đuổi các mục tiêu tốc độ, quy mô hoặc lợi nhuận ở tầm vĩ mô. Ví dụ: mục tiêu đầu tiên của bạn có thể là đẩy nhanh tốc độ ra mắt một sản phẩm hay tính năng. Tiếp đến, khi bạn đã hài lòng về tốc độ phát triển một sản phẩm, hãy tiếp tục áp dụng  kiến thức đó cho sản phẩm khác.

Bạn không nên theo đuổi nhiều mục tiêu Cloud Native cùng một lúc. Vì mỗi giai đoạn phát triển Cloud Native khác nhau đều có những thách thức khác nhau, đòi hỏi bạn cần tập trung và quyết tâm cho từng nhiệm vụ. Vì vậy, đừng cố gắng tự làm khó bản thân bằng việc giải quyết đồng thời nhiều vấn đề.

Bạn cũng không cần đặt mục tiêu quá cao. Công ty A có thể sẽ rất vui khi giảm thời gian hoàn thiện từ 3 tháng xuống 3 ngày. Nhưng đối với công ty B, mục tiêu của họ là giảm thời gian hoàn thiện xuống còn 3 giờ hoặc thậm chí 3 phút. Cả Công ty A hay Công ty B đều hoạt động hiệu quả, miễn họ đã chọn đúng mục tiêu cho doanh nghiệp của mình. Do đó, điều quan trọng làm bạn cần biết công ty mình đang ở giai đoạn nào.

Nếu bạn đang tìm kiếm một giải pháp phù hợp thì rõ ràng bạn đang ở giai đoạn “khởi nghiệp” và cần quan tâm đến tốc độ thử nghiệm và tốc độ ra mắt tính năng. Nếu bạn có một sản phẩm cần phục vụ cho nhiều người dùng hơn, có thể bạn đang ở giai đoạn “mở rộng quy mô” và cần quan tâm đến việc xử lý nhiều yêu cầu hơn, đồng thời đảm bảo duy trì độ khả dụng (availability) và thời gian phản hồi. Cuối cùng, nếu bạn đang tìm cách tối đa hóa lợi nhuận, thì công ty bạn giờ đây đã là “doanh nghiệp” và cần quan tâm đến việc cắt giảm chi phí lưu trữ và vận hành mà vẫn duy trì tốc độ và khả năng mở rộng quy mô vốn có.

Sau khi hiểu 3 mục tiêu Cloud Native là gì và công ty bạn đang ở giai đoạn phát triển nào, chúng ta sẽ bắt đầu phân tích về các công cụ có thể giúp bạn thực hiện được những mục tiêu này trong bài viết tiếp theo.

Về VTI Cloud

VTI Cloud là Đối tác cấp cao (Advanced Consulting Partner) của AWS, với đội ngũ hơn 50+ kỹ sư về giải pháp được chứng nhận bởi AWS. Với mong muốn hỗ trợ khách hàng trong hành trình chuyển đổi số và dịch chuyển lên đám mây AWS, VTI Cloud tự hào là đơn vị tiên phong trong việc tư vấn giải pháp, phát triển phần mềm và triển khai hạ tầng AWS cho khách hàng tại Việt Nam và Nhật Bản.

Xây dựng các kiến trúc an toàn, hiệu suất cao, linh hoạt, và tối ưu chi phí cho khách hàng là nhiệm vụ hàng đầu của VTI Cloud trong sứ mệnh công nghệ hóa doanh nghiệp.

Liên hệ với chúng tôi: Tại đây

Nguồn: Anne Currie từ blog.container-solutions.com

 

Category : Blog

Related news

what’s up at VTI